Ngày 22-11, Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian gần đây, lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của một số công dân trên địa bàn tỉnh, các đối tượng trong các đường dây mua bán người xuyên quốc gia đã dụ dỗ, lừa gạt nhiều người xuất cảnh sang Lào, Myanmar với lời hứa “việc nhẹ lương cao” rồi bán lại cho các công ty do người nước ngoài làm chủ và bị cưỡng bức lao động.
Theo đó, đa số công dân đều bị lừa sang Lào và Myanmar bằng đường xuất cảnh hợp pháp (có hộ chiếu phổ thông). Sau khi nhập cảnh vào 2 nước trên, các công dân bị thu giữ hộ chiếu, giấy tờ tùy thân và bị bọn buôn người bán lại cho các công ty do người nước ngoài làm chủ, bị cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm, hoạt động phạm tội lừa đảo trực tuyến qua mạng… Tại những nơi làm việc, các công dân bị ép làm việc trung bình với thời gian 15 tiếng/ngày, nếu không làm hoặc không đạt chỉ tiêu sẽ bị đánh đập, tra tấn. Trường hợp muốn về lại Việt Nam thì các công ty này bắt nộp tiền chuộc từ 150 đến 200 triệu đồng/người.
Theo trình báo của các nạn nhân, từ tháng 11-2022 đến tháng 6-2023, Huyền đã dụ dỗ, lừa gạt các nạn nhân đi sang Myanmar để bán mỹ phẩm cho công ty do Huyền làm chủ với mức lương hấp dẫn. Sau khi đồng ý, Huyền đã dẫn các nạn nhân ra Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm hộ chiếu. Khi đã có hộ chiếu, đối tượng đã mua vé máy bay và làm thủ tục để 5 người xuất cảnh sang thủ đô Yangon (Myanmar). Đến nơi, Huyền và các đối tượng khác đã thu hộ chiếu, giấy tờ tùy thân của nạn nhân rồi dùng ô-tô chở sang khu vực đặc khu Bo Keo (Lào) và bán lại cho các công ty do người nước ngoài làm chủ. Tại đây, các nạn nhân bị ép hoạt động phạm tội lừa đảo trực tuyến qua mạng.
Do không đáp ứng được công việc, các đối tượng đã đánh đập và ra điều kiện nếu muốn về Việt Nam thì phải trả tiền chuộc 210 triệu đồng/người hoặc sẽ tiếp tục bị bán sang Thái Lan. Do lo sợ nguy hiểm đến tính mạng, các nạn nhân đã liên hệ với gia đình trả hơn 1 tỷ đồng tiền chuộc để được về nước. Sau khi về đến Việt Nam, các nạn nhân đã làm đơn tố cáo hành vi của Huyền gửi đến cơ quan Công an.
Ngoài ra, từ ngày 14-6 đến 18-8-2023, Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Gia Lai, còn nhận được trình báo của các gia đình về việc 5 trường hợp (trong đó có 3 công dân nữ) bị lừa sang Myanmar lao động rồi bán cho các công ty nước ngoài. Do không thành thạo công việc nên các nạn nhân bị đánh đập, buộc gây sức ép với gia đình để gửi tiền chuộc từ 200 đến 400 triệu đồng/người mới được cho về nước. Hiện, Công an tỉnh Gia Lai đang tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng xác minh, hỗ trợ giải cứu các công dân trên.
Để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn hoạt động của đối tượng trong các đường dây mua bán người xuyên quốc gia, Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo: Công dân có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ, liên hệ với các cơ quan chức năng tại địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ và tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Trong trường hợp công dân bị dụ dỗ, lừa gạt, lôi kéo đi lao động và bị cưỡng bức lao động thì báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ giải quyết.
Tác giả: B.G.L. Mời bạn đọc xem tiếp nội dung tại: https://cadn.com.vn/canh-giac-voi-thu-doan-cua-toi-pham-mua-ban-nguoi-sang-lao-va-myanmar-post286879.html